Theo Chu kháng Lý La Hoằng Tín

Năm 896, Lý Khắc Dụng cử con nuôi là Lý Tồn Tín đem binh giao tranh với Chu Toàn Trung ở Vận châu. Tồn Tín đóng quân ở huyện Sằn, để quân quấy phá cướp bóc dân chúng, La Hoằng Tín rất bất bằng. Chu Toàn Trung sai sứ nhắn với ông:

Thái Nguyên tới được Hà Sóc, khi mà trở về sẽ tính đến chỗ của ông đó[1].

Hoằng Tín lo sợ, bèn cử 30.000 quân mai phục, nhử quân Tấn vào rồi tiêu diệt, Lý Tồn Tín chạy về Minh châu. Thái Nguyên được tin thì nổi cơn thịnh nộ, đích thân dẫn quân công đánh Ngụy châu, quân đóng ở phía ngoài cửa Quan Âm. Tướng Tuyên Vũ là Cát Tùng được lệnh đến cứu Ngụy, đóng quân ở Hoàn Thủy. Quân Lương đánh thắng bắt được người con trai yêu của Thái Nguyên là Lạc Lạc[10]. Lý Khắc Dụng sai sứ đến Biện Châu gặp Chu Toàn Trung xin tha cho Lạc Lạc. Toàn Trung tương kế tựu kế, bèn sai người đưa Lạc Lạc đến Ngụy châu, Hoằng Tín sai giết đi. Từ thời điểm này, La Hoằng Tín ngả theo Chu Toàn Trung chống lại Lý Khắc Dụng. Do Ngụy Bác cản trở, Thái Nguyên không thể cứu anh em họ Chu được nữa, dẫn đến hai trân ở đất Tề nhanh chóng lọt vào tay Chu Toàn Trung vào mùa xuân năm 897.

Tháng 6 năm 896, Thái Nguyên lại đánh Ngụy Bác, phá hơn 10 thành Thành An, Hoàn Thủy, Lâm Chương,… Tháng 10, quân Hà Đông đánh bại quân Ngụy Bác ở Bạch Long đàm, tiến đánh Quan Âm môn, quân Tuyên Vũ đến cứu, đôi bên bãi binh trở về. Chu Toàn Trung đối với La Hoằng Tín luôn tìm cách lấy lòng, gọi ông là lục huynh, dùng hậu lễ mà tiếp đãi. Do đó Hoằng Tín thần phục nước Lương. Vào năm 898, ông gửi quân hỗ trợ Chu Toàn Trung tiến công ba châu Hình, Minh, Từ thuộc quyền quản lý của Thái Nguyên, liên quân giành được chiến thắng, thu được ba châu. Từ đó nước Tấn ngày càng suy yếu hơn.

Về cuối đời La Hoằng Tín được phong chức Kiểm giáo thái sư, Thị trung, Lâm Thanh vương[1]. Tháng 10 năm 898 ông qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Quân trung ủng hộ người con trai trưởng của ông là La Thiệu Uy lên nắm quyền chỉ huy. Đường Chiêu Tông truy phong cho La Hoằng Tín tước Bắc Bình vương, thụy là Trang Túc[1].